GIỚI THIỆU VỀ CƠ QUAN HỢP TÁC QUỐC TẾ NHẬT BẢN (JICA)
JICA là cơ quan thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Chính phủ Nhật Bản; đã và đang thực hiện viện trợ trong nhiều lĩnh vực – đặc biệt là lĩnh vực về Y tế.
Với phương châm“ Đưa hợp tác quốc tế trở thành văn hóa Nhật Bản” vào trong các chương trình hợp tác có sự tham gia của người dân đã góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội của các nước đang phát triển.
TẦM NHÌN CỦA JICA
Kết nối thế giới bằng niềm tin
Hoạt động của JICA hướng tới một thế giới tự do, hòa bình, thịnh vượng, nơi mọi người có một tương lai tươi sáng với nhiều lựa chọn. JICA sẵn sàng chung tay với các đối tác, kết nối thế giới bằng niềm tin.
CHƯƠNG TRÌNH ĐỐI TÁC PHÁT TRIỂN (JPP)
Chương trình Đối tác Phát triển của JICA là chương trình hợp tác kỹ thuật cấp cơ sở; các dự án hợp tác kỹ thuật thực hiện tại các nước đang phát triển, do các tổ chức phi Chính phủ (NGO), trường đại học, chính quyền địa phương và các tổ chức công của Nhật Bản đề xuất thực hiện dựa trên những kinh nghiệm, kỹ thuật tích lũy được. JICA hỗ trợ và cùng thực hiện những dự án này.
Các Dự án thực hiện trong khuôn khổ Chương trình này đảm bảo 3 điều kiện:
(1) Là dự án hợp tác kỹ thuật thông qua con người (không phải là dự án chỉ cung cấp trang thiết bị,.v.v..)
(2) Là dự án có nội dung tác động trực tiếp tới việc cải thiện cuộc sống và sinh kế của người dân Việt Nam.
(3) Là dự án do tổ chức của Nhật Bản thực hiện và là cơ hội thúc đẩy sự tham gia và tăng cường hiểu biết của người dân Nhật Bản về các hoạt động hợp tác quốc tế.
Với sự tài trợ của tổ chức JICA:
TTYT Phù Cát phối hợp Trường Đại học Kanazawa (Nhật Bản) thực hiện Dự án:
CẢI THIỆN SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ SƠ SINH NHẸ CÂN TẠI
KHU VỰC BỊ NHIỄM CHẤT ĐỘC DA CAM/ DIOXIN NẶNG Ở VIỆT NAM
MỤC TIÊU DỰ ÁN
Cải thiện sự phát triển của trẻ sơ sinh nhẹ cân trên địa bàn huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định; thông qua các hoạt động đào tạo, tập huấn để nâng cao năng lực chuyên môn, quản lý cho đội ngũ nhân viên y tế, truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức người dân, đồng thời tiến hành các hoạt động kiểm tra và chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ sơ sinh có xem xét đến các yếu tố ảnh hưởng, tác động của chất độc da cam/ dioxin đối với sức khỏe.
CÁC KẾT QUẢ CHỦ YẾU CỦA DỰ ÁN
– Tăng cường năng lực quản lý và phối hợp trong việc triển khai Dự án của các bên tham gia; bao gồm: Trung tâm Y tế huyện Phù Cát, Ban 10-80 thuộc trường Đại học Y Hà Nội, Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (NCEM) và Trường Đại học Quốc gia Hà Nội.
– Nâng cao nhận thức của người dân tại địa bàn triển khai Dự án (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) thông qua các hoạt động truyền thông, tích hợp các thông điệp về sự ảnh hưởng, tác động của chất độc da cam /dioxin lên sức khỏe, nhất là ảnh hưởng đến chức năng sinh sản.
– Khoảng 3.000 bà mẹ và trẻ sơ sinh trên địa bàn triển khai Dự án được can thiệp kiểm tra sức khỏe, thực hiện các xét nghiệm về hormone và chất độc da cam /dioxin. Đồng thời tiến hành các giải pháp hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn về cai sữa sớm và chế độ dinh dưỡng phù hợp đối với những trẻ sơ sinh bị nhẹ cân do bị ảnh hưởng của chất độc da cam/ dioxin nồng độ cao có trong sữa mẹ.
– Khoảng 330 bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế tại địa bàn triển khai Dự án được đào tạo, tập huấn về các mối nguy hiểm đối với sức khỏe từ chất độc da cam/ dioxin và áp dụng kiến thức, kỹ năng vào công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về các ảnh hưởng của chất độc da cam /dioxin.