Theo bác sĩ Trần Thượng Dũng, Trưởng khoa Khám bệnh, BVĐK tỉnh: Có 3 nguyên nhân chính gây ngộ độc thực phẩm hay gặp là: Thực phẩm bị nhiễm các vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng và các độc tố của chúng; thực phẩm có chứa nhiều chất phụ gia như hóa chất bảo quản, hóa chất tạo màu, tạo mùi, tạo vị, hóa chất chống sâu mọt vượt ngưỡng quy định; thực phẩm tự nó có chứa độc chất (cá nóc, gan cóc, trứng cóc, vỏ sắn, nấm độc, lá ngón…) hoặc thực phẩm bị nhiễm độc các hóa chất do ô nhiễm môi trường như asen, kẽm, chì…
Vì có nhiều tác nhân gây độc nên triệu chứng của ngộ độc thực phẩm cũng khá phức tạp. Tùy vào loại nguyên nhân gây độc mà triệu chứng ngộ độc có thể xuất hiện sớm sau vài giờ hoặc muộn trong một vài ngày. Hầu hết các triệu chứng thường là bắt đầu từ đường tiêu hóa, người bệnh xuất hiện đau quặn bụng từng cơn vùng thượng vị, vùng quanh rốn kèm nôn và đi cầu phân lỏng nhiều lần, đôi khi trong phân có lẫn máu. Người bệnh có thể có sốt hoặc vã mồ hôi, tay chân bị lạnh. Nếu ngộ độc nặng, người bệnh có thể xuất hiện các dấu hiệu nghiêm trọng hơn như mất nước, trụy mạch, co giật…
Hầu hết các bệnh do ngộ độc thực phẩm sẽ tự hết, nhưng nếu có các dấu hiệu như: Sốt cao, phân có máu, nôn kéo dài, tiêu chảy kéo dài quá 3 ngày, dấu hiệu mất nước (khô miệng, chóng mặt, giảm tiểu tiện) thì gia đình cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh bệnh diễn biến nặng.
Nếu các biểu hiện ngộ độc xảy ra trong khoảng thời gian 6 giờ sau khi ăn thì cần gây nôn để người bị ngộ độc nôn ra hết lượng thức ăn còn ở dạ dày. “Phải để người bệnh nằm đầu thấp, nghiêng đầu sang một bên tránh gây sặc lên mũi, xuống phổi dễ dẫn đến tử vong, đặc biệt là đối với trẻ em. Trong quá trình gây nôn, phải luôn dùng khăn để lau chùi. Đồng thời cần cho người bệnh uống nhiều nước dừa, nước cháo, nước oresol…, đối với trẻ còn bú, cần tiếp tục cho trẻ bú mẹ”, bác sĩ Dũng lưu ý.
Ngoài ra, trong mùa nắng nóng, cần duy trì chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, hợp vệ sinh để tăng cường sức khỏe và phòng tránh ngộ độc thực phẩm. Cần hạn chế những loại thức ăn dễ gây ngộ độc như các món gỏi, nộm, thực phẩm sống; không ăn uống tại các quán bên vỉa hè, ven đường, nơi kém vệ sinh.
Tác giả bài viết : Thùy Vy (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)
Nguồn tin : Báo Bình Định Online